Bà Năm
Tôi có câu chuyện này muốn kể. Là chuyện của một người đã mất, gọi tên là bà Năm. Bà là hàng xóm cũ của tôi, ở một xóm tên Chợ Nhỏ, ở Thành phố Pleiku, Tỉnh Gia Lai.
Đây là chuyện bà từng kể lại cho mẹ tôi. Và giờ, mẹ kể lại cho tôi.
Lúc bà còn sống, tôi chỉ là đứa con nít bốn, năm tuổi. Nhưng ký ức của tôi về bà vẫn rõ, rõ ở đây là về mặt cảm giác. Bà hay mặt bộ đồ bộ dành cho người già, thời tiết ở Pleiku lạnh nên bà hay trùm thêm vải đan len màu cam. Bà nói giọng xứ Quảng. Thật ra tôi không nhớ rõ giọng bà, nhưng tôi nhớ đã từng mua kẹo bà bán và nhờ bà lột vỏ giúp. Tôi chỉ nhớ tiếng bà phát âm chữ "lột".
Lúc bà năm còn nhỏ, ba mẹ mất. Bà ở với anh chị và bị đánh. và tất nhiên, bà không được đi học, một chữ bẻ đôi bà cũng không biết.
Thế là bà bỏ đi.
Bà đi xa và đi lúc bà nhỏ đến độ, bà không có ký ức gì về việc mình đã xuất phát từ đâu, chỉ biết quê mình ở xứ Quảng, nhưng không biết cụ thể ở chỗ nào.
Bà đi làm người ở cho một gia đình. Con gái đang độ tuổi mới lớn mà, bà bị người đàn ông trong gia đình đó làm cho có bầu, sinh một đứa con trai, sau là một đứa con gái. Rồi vợ của người đàn ông đó đuổi bà đi.
Bà từng sống ở Sài Gòn. Có lẽ vì vậy mà con trai bà, ông Trọng, nói giọng miền Nam đặc sệt, khác với giọng của người Gia Lai. Không biết thời thế đưa đẩy ra sao (chiến tranh? kinh tế mới?), bà dắt hai con đến Pleiku.
Bà tần tảo nuôi 2 đứa con, một đứa con trai đã đến tuổi đi học và một đứa con gái nhỏ bằng một gánh bánh kẹo. Bà bán trước trường của người con trai. Còn người con gái, bà đâu thể để nó ở nhà một mình, đâu ai trông nom, bà để đứa con vào chiếc gánh và gánh đi luôn.
Mà thời thế lúc đó bán cũng không kiếm được bao nhiêu.
Rồi nắng mưa, cái rét của Pleiku, mưa Gia Lai thì dầm dề, con gái bà nhỏ xíu, sức đề kháng không có nên bị bệnh, chẳng có ai giúp, nên chết. Cái chết mà mẹ tôi gọi là chết oan ức tức tưởi.
Làm sao có thể diễn tả được nỗi đau của người mẹ mất con, nhưng bà phải sống tiếp, để nuôi người con trai. và con trai bà, ông Trọng cũng ăn học đến nơi đến chốn, trở thành thầy giáo.
Câu chuyện cuộc đời chưa kết thúc như vậy. Dù làm thầy giáo, nhưng tôi không hiểu môi trường xung quanh lúc đó ra sao, nơi xóm tôi, hầu hết mọi người đàn ông đều ham nhậu.
Ông trọng đi nhậu, bị té đập đầu, rồi bị giật kinh phong, từ đó tâm lý bất ổn và không đi làm nữa. Ổng có 2 người vợ, mỗi người vợ đều có với ổng mấy đứa con, tôi thì lúc đó còn nhỏ chỉ gặp được người vợ sau. Sau khi ông trọng không đi làm nữa, kinh tế đặt lên vai người vợ, và luôn là bà Năm, bà chưa có được một ngày nghỉ ngơi.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh bà đi lấy sỉ từng lốc bim bim, bánh kẹo về bán cho tụi trong xóm. bà bán chưa kịp lời đã bị mấy đứa cháu ruột gỡ xuống lấy ăn hết. bà có la mắng thì cũng vậy, dường như những đứa đó chẳng có ý thức, ý niệm, trắc ẩn. Từng bịch bim bim chỉ lời 500, 1 ngàn đồng, có khi chẳng tới 1 ngàn. (lúc đó khoảng 2006)
Rồi bà làm từng miếng chuối chiên, khoai lang chiên, tôi cũng thường hay mua. Bán trong xóm ế không hết thì bà đem ra chợ bán, vừa bán vừa cho, cho để hết cho mau còn về sớm. Bà lúi cúi, cặm cụi cuốn từng miếng xiên lụi nướng, con nít vô tư tôi cũng từng đứng trước nhà trông bà làm, nhà tôi đối diện, bước qua khoảng hẻm nhỏ xíu là tới bậc thềm nhà bà.
Ông Trọng không phải là một người con tốt dù học đến thầy giáo. có lần, một sáng bà hỏi ổng: "Con ăn gì con?". Rồi ổng hét lên thô lỗ: "ĂN PHỞ." Vậy là bà lặng lẽ xách một chiếc tô trống, từng bước khập khiễng của người già, đi mua phở cho thằng con trai.
Tôi không biết vì thiếu tiền hay sao, mà sau đó ông Trọng bắt bà Năm ra chợ đêm bán cháo. Combo: người già, nấu cháo, chợ, đêm. Bà Năm đổ bệnh.
Mẹ tôi, tôi, và một cô hàng xóm đi thăm bà trong cái bệnh viện tỉnh tồi tàn. Đứa cháu gái đang chăm bà. Bà đã yếu đến mức không tự đi vệ sinh được. Rồi bà mất. Đám tang chỉ có đứa cháu gái đứng nép một góc mà khóc. Không ai khác.
Con dâu bà còn từng đùa với tôi: "Muốn ăn chuối chiên không? Lát bà Năm làm cho." Tôi nghĩ bả đùa vì nghĩ đứa nhỏ như tôi lúc đó không có ý niệm về cái chết.
Tôi chỉ đáp lại ngây thơ: "Bà Năm chết rồi, còn đâu mà bán nữa."
Lúc nhỏ tôi không đau lòng, không tiếc thương gì cả. Nhưng giờ, lòng trắc ẩn trong tôi mới được nuôi lớn.
...
Bà không biết tên mình thật sự là gì, không biết quê quán, không người thân, không nguồn cội, không biết tuổi. Cái tên "Năm" cũng không rõ từ đâu mà ra.
Bà đã sống, một đời, không một ngày hạnh phúc.
Sự khẳng định này của tôi dù là phiến diện đi chăng nữa, thì tôi vẫn sẽ nói vậy, vì cái sự không nguồn cội đến khi chết đi, hạnh phúc thế nào?
...
Tôi chẳng biết, ai sẽ thương. Còn tôi thương vì những hình ảnh đó tôi đã từng chứ kiến, có lẽ kiếp người như bà Năm cũng như vô vàn những kiếp người khác: ngẫu nhiên, và bất hạnh đúng vai trò.
Nhận xét
Đăng nhận xét